Ho dữ dội về đêm và sáng sớm, khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Ho dữ dội về đêm và sáng sớm có kèm theo các triệu chứng khò khè, khó thở thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo ban đầu của bệnh hen phế quản. Những triệu chứng này xuất hiện do đường thở của bạn bị nhiễm trùng hay bị viêm, sinh đờm, cần chú ý theo dõi và điều trị bệnh để tránh các biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Ho nhiều về đêm nguyên nhân do đâu?                                                   

Ho là một phản xạ có điều kiện mà thông qua đó, cơ thể có thể loại bỏ các tác nhân có hại như chất bài tiết, chất gây kích thích, vi khuẩn, bụi bẩn ra khỏi cơ thể, tuy nhiên việc ho dai dẳng nhất là ho nhiều về đêm sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe và tinh thần, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi. Ho dữ dội về đêm không chỉ khiến người bệnh mệt mỏi, khó ngủ mà còn gây khàn tiếng, xuống tinh thần,... Đặc biệt ho về đêm còn là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm như:

1. Viêm phổi: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ho nhiều về đêm ở người lớn tuổi. Khi bị viêm phổi, vi khuẩn, virus sẽ xâm nhập vào và gây tổn thương phổi. Phản ứng viêm ở phổi sẽ kích thích hệ hô hấp tiết nhiều dịch hơn. Khi nằm ngủ, dịch tiết này có thể tràn vào phế quản và kích thích gây ho.

nguyen-nhan-ho-nhieu-ve-dem

Nguyên nhân ho nhiều về đêm

2. Bệnh hen suyễn (hen phế quản): Hen phế quản là một bệnh lý viêm mạn tính của phế quản có biểu hiện là các phản ứng tắc nghẽn phế quản gây hẹp đường hô hấp do tiếp xúc với những tác nhân gây dị ứng gây co thắt, tăng tiết dịch nhầy và phù nề đường hô hấp. Hen suyễn thường gây ho nhiều vào ban đêm, gần sáng là do không khí lạnh ở thời điểm này làm tăng độ nhạy cảm của các niêm mạc đường hô hấp. Những cơn ho về đêm do hen phế quản gây ra thường là ho khan, ho dai dẳng, trong trường hợp người bệnh bị bội nhiễm có thể gây ho có đờm.

3. Hội chứng chảy dịch mũi sau: Hội chứng chảy dịch mũi sau là tình trạng cơ thể tiết ra dịch nhầy ở mũi và cổ họng nhiều hơn bình thường, khiến nó chảy xuống và tích tụ trong cổ họng, kích thích khởi phát phản xạ ho. Hiện tượng này xảy ra vào ban đêm nhiều hơn do tư thế nằm khiến lượng dịch chảy xuống mũi sau và cổ họng nhiều hơn, từ đó gây ra tình trạng ho nhiều về đêm.

4. Tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng từ môi trường: Những tác nhân gây kích thích và dị ứng như mạt bụi, vải bông, lông động vật, gián, phấn hoa từ chăn màn của bạn có thể gây ra những cơn ho dai dẳng mỗi khi bạn đi ngủ. Đây là một trong những lý do chính khiến bạn chỉ bị ho vào ban đêm mà không ho vào ban ngày. Ngoài ra, vào ban đêm, nhiệt độ và độ ẩm có xu hướng giảm thấp đột ngột. Điều này có thể kích thích phản ứng dị ứng, đặc biệt là khi bạn có cơ địa mẫn cảm. Bạn có thể bị ho, nghẹt mũi, sổ mũi, thậm chí là nổi mề đay, da bong tróc và ngứa ngáy.

5. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Ho nhiều về ban đêm có thể là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Về đêm, tư thế nằm ngủ thấp và hoạt động của dạ dày sẽ khiến dịch vị dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản, cổ họng của bạn hơn, dẫn đến kích thích niêm mạc và gây ho.

 

Ho nhiều về đêm và sáng sớm, khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị ho nhiều về đêm, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể khi tình trạng ho của bạn kèm theo bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:

- Tình trạng ho về đêm kéo dài hơn một tuần không thuyên giảm.

- Ho ra máu.

- Khó thở hoặc khó nuốt, thở khò khè.

- Thở nhanh hơn bình thường.

- Ho kèm sốt, sốt cao.

- Cảm giác đau tức ngực.

- Sụt cân bất thường.

ho-nhieu-ve-dem-khi-nao-can-gap-bac-si

Ho nhiều về đêm khi nào cần gặp bác sĩ

Mách bạn cách làm giảm và phòng tránh ho về đêm hiệu quả:

- Giữ cơ thể ấm: Nhiệt độ thấp, cơ thể nhiễm lạnh là nguyên nhân khiến bạn ho dai dẳng và trầm trọng. Vì thế, hãy luôn giữ cơ thể ấm để phòng tránh nhiễm lạnh và phòng ngừa ho về đêm. Nếu đang bị cảm lạnh, hãy uống nhiều nước ấm, ăn cháo hay súp gà nóng để mau khỏe hơn. Bên cạnh đó, nên xịt mũi hoặc nhỏ nước mũi sinh lý hàng ngày để mũi luôn sạch sẽ, ngăn chặn tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho. 

- Nằm nghiêng và gối cao đầu khi ngủ: Việc gối cao đầu sẽ hạn chế dịch nhầy từ mũi chảy xuống cuống họng, đồng thời, axit trong dạ dày cũng không bị trào ngược lên vùng phổi, ngực. Song song với gối cao đầu, bạn có thể ngủ ở tư thế nằm nghiêng để dễ chịu hơn. 

- Súc miệng bằng nước muối ấm trước khi đi ngủ: Nước muối có thể làm dịu cơn đau ở cổ họng và làm giảm kích ứng đường hô hấp. Ngoài ra, nước muối cũng giúp loại bỏ chất nhầy hô hấp ở phía sau cổ họng, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ho nhiều về đêm.

- Giữ phòng ngủ sạch sẽ, thông thoáng: Với những người bị dị ứng hay hen suyễn thì giữ phòng ngủ sạch sẽ và thông thoáng là rất quan trọng. Bởi bụi bẩn, lông thú cưng, tóc,... là nguyên nhân gây ra dị ứng, khiến mũi khó chịu, gây ra nghẹt mũi, ho. Do đó, luôn vệ sinh phòng ốc và giường ngủ, giặt ga giường và rèm cửa thường xuyên cũng là cách làm giảm và phòng tránh ho về đêm hiệu quả. 

- Duy trì lối sống lành mạnh: Để phòng và trị ho về đêm, bạn cần chủ động xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực. Theo đó, tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu bia hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào nếu bạn đang bị ho mãn tính. Nếu từ bỏ các thói quen hút thuốc, uống rượu bia, bạn không chỉ cải thiện tình trạng ho về đêm mà còn có một cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, tràn đầy năng lượng. 

- Sử dụng thuốc trị ho: Nếu như cơn ho không dứt sau khi bạn đã áp dụng nhiều biện pháp điều trị không dùng thuốc, các bác sĩ thường khuyên bạn sử dụng những loại thuốc sau: Thuốc giảm ho (Codein, Dextromethorphan, Pholcodin), Thuốc long đờm (Guaifenesin, Ipecacuanha), Các thuốc kháng histamin (Brompheniramine, Doxylamine, Chlorphenamine, Diphenhydramine)

  • Currently 0/5
Ho dữ dội về đêm và sáng sớm, khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Điểm trung bình: 0 / 5 (0 lượt đánh giá)